Lấy tủy răng thường là cách thức can thiệp bắt buộc thực hiện đối với các trường hợp bệnh nhân sâu răng nặng, viêm tủy răng. Vậy cụ thể sâu, viêm đến mức độ nào thì cần lấy tủy răng? Có phải cứ sâu răng là nên lấy tủy răng không? Hãy cùng Tấm Dentist tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Nội dung bài viết
1. Lấy tủy răng là gì?
Lấy tủy răng là phương pháp loại bỏ đi phần tủy răng đã chết, đã bị nhiễm khuẩn nằm sâu bên trong răng và dưới chân răng, sau đó làm sạch và khử trùng cho răng. Đây là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến để ngăn ngừa các phần tủy có hại gây ảnh hưởng xấu đến răng miệng.
2. Trường hợp nào bắt buộc lấy tủy răng?
Lấy tủy răng thường là một khâu điều trị bắt buộc trong các trường hợp:
- Răng bị sâu nghiêm trọng xuống tận phần chân răng, người bệnh chịu cảm giác đau nhức âm ỉ, kéo dài;
- Răng bị sứt mẻ hay vỡ từng miếng lớn, hoặc sâu răng làm lộ phần tủy ra bên ngoài, xương răng bị viêm nhiễm;
- Nướu xuất hiện mụn nhọt, chân răng xuất hiện mủ trắng gây hôi miệng và tái đi tái lại không lành;
- Tủy răng chết gây đau nhức lâu ngày, thậm chí cơn đau lan rộng lên vùng thái dương, não.
Trong những trường hợp trên, nếu không lấy tủy răng thì cơn đau sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính thẩm mỹ của vùng răng miệng. Thậm chí việc đau răng khiến người bệnh ăn không ngon, mất ngủ, tác động xấu tới sức khỏe tổng thể và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
3. Quy trình lấy tủy răng?
Quy trình lấy tủy răng thông thường sẽ diễn ra qua 5 bước cơ bản:
Bước 1: Thăm khám và chụp phim
Đầu tiên, để có cái nhìn tổng quan về tình hình sức khỏe răng miệng hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành thăm khám và chụp X-quang để nhận diện các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải và xác định cấu trúc răng cần được lấy tủy.
Bước 2: Tiến hành gây tê cục bộ
Trước khi bước vào quá trình lấy tủy răng chính thức, bác sĩ nha khoa sẽ dùng thuốc gây tê để gây tê cục bộ cho bệnh nhân, tránh cảm giác đau buốt khi thực hiện lấy tủy răng. Trong trường hợp người bệnh bị dị ứng với thuốc gây tê, nha sĩ sẽ sử dụng thuốc diệt tủy để thay thế.
Bước 3: Đặt đế cao su vào chân răng
Ở bước này, đế cao su sẽ được đặt sát vào chân răng cần lấy tủy với mục đích ngăn cách giữa nướu và khoang miệng, giữ cho răng khô sạch trong quá trình lấy tủy răng, đồng thời ngăn chặn thuốc hoặc hóa chất chảy ra các vị trí khác như khoang miệng, đường hô hấp làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bước 4: Lấy tủy răng
Để lấy được tủy răng ra bên ngoài, bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng mũi khoan chuyên dụng đã được vô trùng sạch sẽ để khoan một lỗ nhỏ vào phần thân răng để từ đó đi xuống ống tủy. Khi đường khoan đã thông, phần tủy bị viêm hay bị chết sẽ được hút ra bằng tay hoặc máy. Sau đó bác sĩ nha khoa sẽ làm sạch ống tủy. Cuối cùng, để chắc chắn không còn phần tủy viêm nào sót lại, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang răng để theo dõi một lần nữa.
Bước 5: Trám ống tủy
Sau khi hoàn thiện tất cả 4 bước trên, bác sĩ nha khoa sẽ dùng vật liệu chuyên dụng để thế chỗ cho phần tủy răng được lấy đi, trám và lấp đầy ống tủy để đảm bảo ống tủy được khít lại. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể tiến hành bọc sứ cho răng đã lấy tủy.
4. Lấy tủy răng có đau không? Có nguy hiểm không?
Lấy tủy răng có đau hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tiêu biểu phải kể đến trình độ, tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện. Nếu bác sĩ nha khoa thực hiện sai kỹ thuật, sai liệu trình thì có thể bị đau và thậm chí để lại di chứng xấu. Tuy nhiên nếu như mọi yếu tố, từ cơ sở vật chất đến người thực hiện được đảm bảo thì quá trình lấy tủy răng sẽ diễn ra hoàn toàn nhẹ nhàng, suôn sẻ và không hề đau đớn.
Phương pháp lấy tủy răng giúp khắc phục những tình trạng đau răng, ê buốt do phần tủy hỏng gây ra, tuy nhiên, bên cạnh đó, phương pháp này cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như:
- Răng yếu và dễ sứt mẻ: sau khi răng bị lấy tủy, sự kết nối giữa răng và các mạch máu nuôi răng sẽ không còn liền mạch như trước. Vì vậy xét về mặt cấu trúc, răng sẽ trở nên giòn và dễ bị vỡ, mẻ. Để giảm tác động của tình trạng này, nhiều bệnh nhân đã áp dụng giải pháp bọc sứ bảo vệ răng sau khi lấy tủy.
- Răng xỉn màu: cũng do sự nuôi dưỡng từ mạch máu đến răng bị đứt đoạn nên sau khi điều trị lấy tủy, răng sẽ trở nên xỉn màu hơn so với những răng khác. Tình trạng này cũng hoàn toàn có thể khắc phục được qua việc bọc sứ để che đi răng xỉn màu, thay thế bằng một hàm răng trắng sáng.
- Xoang mũi bị tác động: nguy cơ này xảy ra khi phương pháp lấy tủy răng được thực hiện với các răng ở hàm trên gần với xoang mũi. Cụ thể, khí từ dụng cụ có thể thẩm thấu vào xoang mũi khiến bệnh nhân thấy khó chịu trong mũi, tắc mũi hoặc đau đầu. Tuy nhiên, điều tích cực là ảnh hưởng này rất hiếm gặp và sẽ biến mất trong khoảng 1 – 2 tuần sau điều trị lấy tủy.
- Đau răng, viêm tủy răng: trường hợp này xảy ra nếu trong quá trình điều trị, bác sĩ nha khoa thực hiện với kỹ thuật và cách xử lý không đúng, làm thủng sàn tủy hoặc chóp tủy, trám bít không cẩn thận; hoặc dụng cụ không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ; do chưa lấy hết tủy và ống tủy chưa được làm sạch triệt để. Tình trạng này thậm chí có thể dẫn đến viêm tủy, xuất hiện ủ mủ bên trong xương hàm. Vì vậy nếu gặp phải tình trạng này thì bệnh nhân nên đến gặp nha sĩ ngay lập tức để được chữa trị.
Xem thêm: Giá điều trị tủy răng là bao nhiêu? Làm ở đâu tốt
5. Lưu ý quan trọng khi lấy tủy răng
Lấy tủy răng nếu được thực hiện đúng cách, an toàn thì sẽ hỗ trợ người bệnh rất nhiều trong quá trình chăm sóc sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên chỉ với những sai sót không đáng có, người bệnh sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực kể trên. Vì vậy, để phương pháp lấy tủy răng đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần lưu ý tới những điểm quan trọng sau:
- Trước khi chính thức bước vào điều trị lấy tủy răng, người bệnh cần chắc chắn rằng mình đã chọn đúng cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất đảm bảo vệ sinh.
- Trong khi điều trị lấy tủy không cần quá lo lắng mà hãy thả lỏng và tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ nha khoa.
- Sau khi điều trị lấy tủy răng, khi thuốc tê đã hết tác dụng, bệnh nhân có thể làm giảm cơn đau tạm thời bằng cách nhẹ nhàng chườm lạnh bên ngoài má.
- Hàng ngày, người bệnh cần vệ sinh răng miệng đúng cách bằng việc sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng, chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa để lấy thức ăn mắc ở răng nhằm hạn chế vi khuẩn gây bệnh răng miệng.
- Trong thói quen ăn uống, tốt nhất người bệnh nên tránh ăn đồ cứng, hoặc dai, thức ăn quá nóng hoặc lạnh; hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều đường, nhiều tinh bột và các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,v.v.
- Nếu sau khi điều trị bằng phương pháp lấy tủy răng, người bệnh có cảm giác ê buốt, đau nhức kéo dài không hết thì nên thăm khám nha khoa sớm. Đồng thời người bệnh cũng nên thăm khám theo lịch hẹn và định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
Trên đây là những thông tin chi tiết về các trường hợp nên lấy tủy răng, quy trình thực hiện lấy tủy răng cũng như các lưu ý quan trọng khi điều trị tủy răng mà Tấm Dentist muốn gửi đến bạn đọc. Hi vọng rằng với những chia sẻ này, bạn đã bổ sung thêm vào vốn hiểu biết của mình và có được những quyết định đúng đắn nhất trong quá trình chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Xem thêm: Trám răng lấy tủy giá bao nhiêu?